Sáng ngày 04/6/2025, tại Hội trường A – Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, đã diễn ra hội thảo chuyên đề “Phát triển đô thị xanh và đô thị thông minh” do Bộ môn Quản lý hạ tầng đô thị (Khoa Trắc địa, Bản đồ và Công trình) – Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức. Sự kiện quy tụ các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và đông đảo sinh viên ngành đô thị và công trình, hướng đến chia sẻ tri thức và định hình chiến lược phát triển đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu và chuyển đổi số.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Lê Hoàng
Nghiêm – Phó Hiệu trưởng Nhà trường – khẳng định hội thảo là dịp kết nối giữa
nhà trường và xã hội, giữa nghiên cứu và thực tiễn. Những tham luận được trình
bày không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu mà còn phản ánh xu thế phát triển tất
yếu của các đô thị hiện đại: phát triển xanh và thông minh.
TS. Đặng Xuân Trường - Trưởng Bộ môn Quản lý đô thị và Công trình trình bày báo cáo trong Hội thảo.
Nội dung nổi bật tại hội thảo đến từ TS. Vương Tấn Đức – chuyên gia giao thông - giảng viên Khoa Kinh tế – với bài trình bày chuyên sâu về “Phát triển hạ tầng giao thông đô thị tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam”. TS. Đức nhấn mạnh rằng giao thông đô thị là xương sống của quá trình đô thị hóa và cần được định hướng phát triển theo mô hình xanh, bền vững. Ông phân tích những thách thức lớn như hạ tầng giao thông quá tải, thiếu đồng bộ, và đề xuất giải pháp bao gồm mở rộng mạng lưới metro, phát triển xe buýt nhanh (BRT), đường sắt nhẹ và hạ tầng tích hợp ITS (giao thông thông minh). Đặc biệt, TS. Đức nêu bật mô hình TOD (Transit Oriented Development) – phát triển đô thị quanh trục giao thông công cộng – như một chiến lược cần thiết để kiểm soát mở rộng đô thị, giảm thiểu ô nhiễm và khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng.
Hội thảo còn ghi nhận nhiều góc nhìn thực tiễn từ các diễn giả khác. Ông Nguyễn Kim Toản – Giám đốc Công ty Thường Nhật, đơn vị vận hành Saigon WaterBus – chia sẻ về việc tận dụng hệ thống sông ngòi TP.HCM để phát triển giao thông thủy, vừa giảm tải đường bộ vừa nâng cao giá trị cảnh quan và bản sắc đô thị sông nước. Trong khi đó, ThS. Lê Quang Nam – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị phân tích vai trò quản lý đô thị trong quy hoạch vùng, đặc biệt là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – nơi đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.
ThS. Cao Lê Tuấn – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng – trình bày hệ thống các chính sách cấp quốc gia về phát triển đô thị xanh và thông minh, trong đó bao gồm Nghị quyết 06/NQ-TW, Quyết định 950/QĐ-TTg và các kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đến năm 2030. Theo ông, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa quy hoạch tổng thể, đầu tư hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu
cũng nhấn mạnh rằng “đô thị xanh” không chỉ là cây xanh hay công trình tiết kiệm
năng lượng, mà là sự tổng hòa giữa quy hoạch, môi trường, giao thông, công nghệ
và con người. Tương tự, “đô thị thông minh” không đơn thuần là cảm biến hay dữ
liệu lớn, mà là một hệ sinh thái đô thị trong đó cư dân được phục vụ hiệu quả
và chính quyền có thể quản lý linh hoạt, minh bạch hơn.
Sự kiện kết thúc với phần tọa đàm mở,
nơi các diễn giả và sinh viên trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất
giải pháp. Đồng thời, những suất học bổng đồng hành từ doanh nghiệp được trao
cho sinh viên tiêu biểu – như một sự động viên và khích lệ cho thế hệ kiến tạo
đô thị bền vững tương lai.